Thân thế Hán_Hiến_Đế

Xuất thân

Lưu Hiệp là con trai thứ của Hán Linh Đế Lưu Hoành. Mẹ ông là Vương Vinh, người Hàm Đan. Thời Hán Linh Đế, Vương Vinh do tư sắc mỹ lệ, thông minh tài trí nên được nhập Dịch đình[1], phong đến Mỹ nhân (美人)[2], cấp bậc thứ 2 dưới Quý nhân trong hậu cung thời Đông Hán[3]. Lúc ấy, Hoàng hậu Hà thị đã sinh con trai Lưu Biện nên dần trở nên cao ngạo, bản thân Hà hậu tính tình quật cường lại hay đối kị, trong cung không ai không sợ[4]. Vương mỹ nhân khi ấy hoài thai, sợ Hà hậu sát hại nên không dám nói, ngày thường uống thuốc để hoại thai, nhưng có một ngày bà nằm mơ thấy mình đang ôm mặt trời trên bụng mà đi, liền cho đó là điềm lành nên không còn muốn hủy thai nữa[5].

Năm Quang Hòa thứ 4 (181), tháng 3, ngày Quý Tị (tức ngày 2 tháng 4 dương lịch), Vương mỹ nhân sinh hạ Hoàng tử Lưu Hiệp. Hà hậu khi biết tin thì nổi giận cực điểm, bèn sai người ngầm độc chết Vương mỹ nhân. Khoảng 7 ngày sau, là ngày Canh Tý, Vương mỹ nhân chết, không rõ bao nhiêu tuổi[6][7].

Cái chết của Vương mỹ nhân khiến Linh Đế nổi giận cực điểm, toan muốn phế truất Hà hậu, nhưng nhóm hoạn quan tích cực khuyên can nên phải thôi[8]. Con trai Vương mỹ nhân là Lưu Hiệp chỉ mới sơ sinh, nên Linh Đế giao cho mẹ mình là Hiếu Nhân Đổng hoàng hậu nuôi dưỡng, nên có biệt danh [Đổng hầu; 董侯][9].

Lên ngôi sau biến loạn

Bài chi tiết: Trương NhượngTriệu Trung

Năm Trung Bình thứ 6 (189), tháng 4, Hán Linh Đế băng hà. Anh Lưu Hiệp là Lưu Biện lên nối ngôi, tức là Hán Thiếu Đế. Lưu Hiệp ban đầu được phong làm Bột Hải vương (勃海王), sau đó là Trần Lưu vương (陈留王).

Vào lúc đó, Trung thường thị Trương Nhượng và các hoạn quan, sử gọi Thập thường thị, có mâu thuẫn gay gắt với Hà Tiến, anh ruột của Hà Thái hậu. Bởi vì các hoạn quan nhiều năm đã thành một thế lực mạnh, trong ngoài cấu kết cực kỳ củng cố. Hà Tiến vừa nắm quyền, xưa nay cũng kiêng kị bọn họ, không dễ bề nắm được quyền thế, cho nên Hà Tiến nhiều lần đề nghị Hà Thái hậu bãi chức các hoạn quan, nhưng Hà Thái hậu lại không chịu vì hoạn quan vốn là những người hầu hạ đắc lực trong cung cấm không thể bỏ đi; hơn nữa trước đây Hà Thái hậu từng nhờ Thập thường thị can gián Hán Linh Đế nên không bị truất ngôi Hoàng hậu. Trương Nhượng đặc biệt được Hà Thái hậu tin cậy và sủng ái nhất, do con trai nuôi của ông đã lấy em gái Thái hậu.

Thấy Hà Thái hậu không chịu, có Viên Thiệu là dòng dõi Công khanh nhiều đời kiến nghị:"Hoàng môn Thường thị chiếm quyền đã lâu, lại còn Trường Lạc Thái hậu hưởng lạc thông dâm. Tướng quân nên tiến chọn hiền tài, khôi phục triều đình". Hà Tiến cho là phải, cùng Viên Thiệu và Viên Thuật, Phùng Kỷ (逢纪), Hà Ngung (何颙) rồi Tuân Du kết làm tâm phúc[10]. Vì gợi ý của Viên Thiệu, Hà Tiến bèn sai người ra nói với Đổng TrácChâu mục của Tịnh Châu, hãy "giả làm phản đòi dẹp hoạn quan", với mục đích là dọa Thái hậu phải bằng lòng bãi chức hoạn quan[11]. Chủ bạ Trần Lâm (陈琳) khuyên can không thể rước họa vào nhà, nhưng Hà Tiến không nghe[12]. Hà Thái hậu nghe tin Đổng Trác sắp kéo quân vào Lạc Dương, trúng kế sợ hãi, vội ra chiếu cách chức các hoạn quan, chỉ giữ vài người tín nhiệm, đều là những Tiểu hoạn quan do Hà Tiến đề bạt. Điều này khiến Viên Thiệu không chịu, khuyên Hà Tiến dứt điểm hoàn toàn, nhưng Hà Tiến vẫn cứ trù tính, do đó Viên Thiệu giả truyền chỉ ý của Hà Tiến, lệnh các châu, quận lùng bắt thân thuộc của các hoạn quan, do đó các hoạn quan hốt hoảng, biết là sẽ sinh đại biến. Không thể chờ chết, sau khi bị bãi nhiệm, Trương Nhượng lại gọi con trai và con dâu dập đầu, con dâu ông vốn là em gái Hà Thái hậu, nên Trương Nhượng nói:"Lão thần đắc tội, hẳn là nên về tư môn xám hối. Nhưng lão thần nhiều đời chịu ân, hiện tại muốn rời xa hoàng cung, nhất thời quyến luyến khó xá, thỉnh lại một lần tiến cung, có thể tạm thời vấn an Thái hậu. Khi lại thấy được ngọc nhan, có chết cũng không hối!". Con trai và con dâu Trương Nhượng đến xin Vũ Dương quân cầu tình, vốn Vũ Dương quân có nhận hối lộ của họ, nên vào cung nói lại với hà Thái hậu, do đó Thái hậu triệu tập các hoạn quan về lại trong cung phục sự như cũ[13].

Năm Quang Hi nguyên niên (189), tháng 8, Hà Tiến lại tới Trường Lạc cung để đề nghị Hà Thái hậu không chỉ bãi miễn mà giết Trương Nhượng và tất cả các hoạn quan. Trong các hoạn quan có người nghe được chuyện bèn báo với Trương Nhượng, thế là Trương Nhượng cùng Đoàn Khuê giả truyền ý chỉ của Thái hậu để gọi một mình Hà Tiến vào cung, sau vội huy động vài mươi quân lính cầm binh khí phục sẵn, đợi lúc Hà Tiến ra cửa cung bèn đổ ra bắt sống, mang tới dưới lầu Thượng thư rồi kể tội vong ân bội nghĩa và giết chết trước Gia Đức điện[14].

Tin tức Hà Tiến bị giết truyền ra, thủ hạ của Hà Tiến là Viên Thiệu mang quân đánh vào hoàng cung giết hoạn quan báo thù cho Hà Tiến. Trong lúc hỗn loạn, Trương Nhượng cùng Đoàn Khuê dắt Hà Thái hậu, Hán Thiếu Đế và Trần Lưu vương Lưu Hiệp đến bến đò Tiểu Bình ở cạnh sông Hoàng Hà, bị Thượng thư Lư Thực dẫn quân đuổi theo kịp. Lư Thực bắt giết khá nhiều hoạn quan, còn mấy hoạn quan khác sợ nhảy xuống sông Hoàng Hà tự vẫn. Hán Thiếu Đế và Lưu Hiệp chạy tiếp, được một viên quan nhỏ là Ngô Cống hộ tống đi trong đêm, nhờ vào ánh sáng đom đóm đi được mấy dặm. Sau đó gặp xe của dân bèn đi nhờ, tới Lạc Xá ở lại 3 ngày, và tìm được ngựa đi tới Bắc Mang. Vừa lúc đó Đổng Trác kéo quân đến Lạc Dương. Được tin Hán Thiếu Đế ở Bắc Mang, Đổng Trác bèn mang quân tới đón anh em vua Hán về cung. Khi quân Đổng Trác đến nơi, có nhiều người Tây Lương và người Khương trông dữ tợn khiến Thiếu Đế sợ bật khóc, còn Lưu Hiệp nhỏ tuổi hơn lại tỏ ra bình tĩnh, vẫn nói chuyện với Đổng Trác. Điều đó khiến Đổng Trác thích Lưu Hiệp hơn Thiếu Đế[15][16][17][18].

Tháng 9 năm ấy, Đổng Trác đưa Hán Thiếu Đế cùng Trần Lưu vương về lại Lạc Dương. Sau khi an vị, Đổng Trác phế truất Hán Thiếu đế làm Hoằng Nông vương, lập Lưu Hiệp lúc đó mới 8 tuổi lên ngôi, tức là Hán Hiến Đế. Ông từ khi lên làm Hoàng đế đã có số phận nằm trong tay quyền thần, do quyền thần lập lên và trù tính. Trong suốt 32 năm trên ngai vàng, Hiến Đế hoàn toàn bị các quyền thần thay nhau khống chế.